Đọc về Murakami.

Mình vừa học được một từ mới: Thiên tư.

“Thiên tư” – tính chất con người có sẵn khi sinh ra (theo Wikipedia).

Ví dụ như trong Truyện Kiều của Nguyễn Du:

” Thiên tư tài mạo tuyệt vời”

À thật ra mình không đọc được từ này trong Truyện Kiều, mà là trong một cuốn sách của Haruki Murakami, “Tôi nói gì khi nói về chạy bộ”. Mình đang đọc dở dang quyển đấy. Đoạn có từ “thiên tư” là lúc Murakami đang bàn luận về những người viết có tài năng thiên bẩm, với suối nguồn văn chương không bao giờ cạn kiệt.

Nghe thiệt là lý tưởng đó chứ. Như kiểu hồi nhỏ đi học, có mấy thanh niên bình thường chẳng cần ôn bài, chẳng cẩn luyện tập gì ráo mà lúc làm bài kiểm tra toàn 9, 10. Trong khi mình học như điên như khùng mà hông được bằng cái móng tay mấy bạn đó. Coi có tức hông :))

“Tôi nói gì khi nói về chạy bộ” là một quyển hiếm hoi của Murakami mình đọc cảm thấy dễ chịu. Thiệt ra thì qua những quyển cùng tác giả, mình không thể hình dung ra nổi hình ảnh của ông lại gắn liền với cái lối sống có phần lành mạnh, vừa phải và kỷ luật như vậy. Cũng có thể là mình bị u mê mấy đoạn miêu tả cảnh chạy, vì nghe nó thật sự rất thơ, rất thiền.

” Những ý nghĩ chợt nảy ra trong tôi khi tôi chạy giống như mây trên bầu trời. Mây đủ mọi kích thước khác nhau. Chúng đến rồi đi, trong khi bầu trời vẫn là bầu trời vĩnh cửu. Những đám mây chỉ là những vị khách trên bầu trời đi qua rồi biến mất, bỏ lại bầu trời. Bầu trời vừa tồn tại vừa không tồn tại. Nó có thực thể và đồng thời không. Và ta đón nhận cái khoảng mênh mang ấy và say sưa thưởng ngoạn, chỉ vậy thôi.”

Mình mê đoạn này ghê. Hồi trước lúc còn đi bộ đều mỗi sáng, lúc nào mình cũng vừa đi vừa ngắm trời ngắm mây. Đi bộ buổi sáng thích hơn nhiều những thời điểm khác trong ngày, vì bầu trời cho mình một cảm giác rõ ràng hơn, gần gụi hơn về sự sống và hơi thở. Và như thế, dù trong ngày có những bực dọc hay buồn chán thì cũng có thể dễ dàng chấp nhận hơn một chút.

Trở lại với câu chuyện “thiên tư”. Trong sách này, Murakami tự nhận mình là một người có tài năng “vừa đủ”. “Vừa đủ” có nghĩa là nếu bạn không luyện tập, suối nguồn tài năng này sẽ có ngày cạn kiệt. Và Murakami lại là một nhà văn khá kỷ luật. Để có thể toàn tâm toàn ý vào viết lách, ông đã dẹp bỏ hoàn toàn công việc kinh doanh của mình. Và cũng giống như chạy bộ, ông duy trì viết mỗi ngày một cách bền bỉ. Điều này khá là ấn tượng với mình. Công việc viết lách, như mọi người vẫn nghĩ, cần rất nhiều cảm hứng. Bản thân mình có một trang blog be bé thế này thôi mà vẫn không duy trì được đều đặn, phần vì nhiều khi có chuyện để kể nhưng không có hứng. Cũng có thể lí giải rằng sở dĩ ông kiên trì được như vậy là vì viết văn đã trở thành cần câu cơm nuôi sống bản thân. Vậy nên dù có không muốn thì vẫn phải viết. Tuy nhiên, mình cho là có duy trì được trong ngần ấy thời gian, còn can đảm bỏ hẳn chuyện kinh doanh dù đang làm ăn ổn, thì vẫn vô cùng đáng ngưỡng mộ. Viết trở thành thói quen, thành chuyện hiển nhiên, như là việc bạn đánh răng rửa mặt mỗi ngày. Nhưng khác với những hoạt động vệ sinh cá nhân có phần nhẹ nhàng, đơn giản kia, viết (hay chạy) đều cần rất nhiều sự tập trung và bền bỉ. Mình khá thích một hình ảnh so sánh thú vị mà Murakami viết về sự bền bỉ như sau:

” Ta có thể so sánh điều đó với hít thở. Nếu tập trung là quá trình chỉ nín hơi thôi, thì bền bỉ là nghệ thuật thở chậm, êm đồng thời với việc trữ không khí trong phổi”

Đoạn này làm mình liên tưởng đến chuyện hít thở trong tập yoga ấy. Và việc tập yoga cũng cần sự kiên trì dài lâu. Tập thở, cũng là tập kiên nhẫn với chính mình.

“Bền bỉ”, hay “kiên trì” có lẽ là từ khóa luôn thiếu trong mình từ nhỏ đến giờ. Đó cũng là lí do mình có thể làm mỗi thứ một chút nhưng không thực sự giỏi cái gì cả. Nghĩ kĩ lại thì cứ lâu lâu cuộc sống của mình lộn xộn hết lên cũng chỉ vì mình quá thiếu kỉ luật với bản thân. Cái kiểu làm gì cũng vì hứng thú nhất thời, rồi thì nhanh chóng bỏ ngang.

Khi đọc cuốn này của Murakami, chắc có lẽ vì hình ảnh của ông đối lập hoàn toàn với mình, mà mình có cơ hội soi rõ bản thân hơn.

Hai ba năm trước gì đấy đọc quyển này thấy nhạt nhòa trong tâm trí, mà giờ thì ấn tượng quá. Đúng là việc đọc cũng mang tính thời điểm. Mình của bây giờ cũng khác ngày trước nhiều rồi.

Mọi người ngày mới tốt lành nhen ^^

17 thoughts on “Đọc về Murakami.

  1. dù tử vi có Văn Xương, Văn Khúc nhưng mình chẳng biết thiên tư nó thật ra là cái gì. Mỗi con người sinh ra và lớn lên là trải qua một quá trình xã hội hóa, nên chẳng có gì riêng lẻ tách rời ở sẵn ở đó từ bẩm sinh mà không qua nhào lộn uốn nặn cả. Nên thiên tư, nếu có, chỉ là đoạn dây mồi nhỏ vào khối thuốc nổ, còn không có nó, thì thuốc nổ vẫn có thể cháy bằng cách này hay cách khác, chỉ không nổ to bằng thôi. Mình nghĩ quan trọng là tư duy, trải nghiệm, hiểu biết và cảm xúc được bồi đắp hàng ngày mới tạo nên hình hài chữ nghĩa.

    (nói xong mới thấy mình nói theo đúng cách nghĩ của một người không có thiên tư gì cả, chứ đứa có thiên tư chắc nó nghĩ khác)

    Liked by 1 person

  2. winlinh10

    Tâm đắc khi em phân tích việc viết. Viết với c từ hồi cấp 3 đến nay như cơm ăn nước uống hàng ngày. Bắt đầu từ nhật ký, rồi các bài báo và cả thơ. Chưa kể cv chuyên môn cũng thiên về viết lách dẫu nó ở một dạng khô khan hơn. Nên đúng là nếu k đủ yêu thích, kiên nhẫn và cả kỷ luật với viết thì sẽ k thể duy trì nó bền bỉ được.

    Liked by 1 person

  3. Em khá đồng ý với chị về chuyện “kỷ luật bản thân”. Em rất ngưỡng mộ những người kỷ luật và cũng làm theo họ nhưng nhận ra là bản thân hừng hực được hai ngày rồi đâu lại vào đấy và chính sự “đâu lại vào đấy” đó làm em gặp nhiều vấn đề trong cuộc sống của bản thân mình. Thật khó để có thể duy trì sự kỷ luật trong một thời gian dài :((
    Em cảm thấy mình khá hợp gu văn học Nhật nhưng khi tiếp cận với văn chương của ông Murakami em cảm thấy khó khăn vô cùng. Cảm giác khó đọc như văn của Nguyễn Tuân vậy. Em đã từng cố đọc Rừng Na Uy và một vài cuốn khác nhưng chỉ đọc được vài trang là bỏ dở, cảm giác choáng ngợp trong từng câu chữ và bộ não phải tiêu tốn nhiều năng lượng để follow quá trình diễn ra trong câu chuyện. Em gặp khó khăn trong việc theo dõi diễn biến truyện trong tất cả các cuốn đã đọc của ông Marukami. Có lúc thì tưởng là hiểu nhưng đọc đến cuối thì mơ hồ chẳng hiểu ông viết gì :)) Không biết sau này nhiều tuổi hơn có đủ tri thức để tiếp thu văn của ông không nữa.

    Liked by 2 people

    1. Chị cũng gặp khó khăn khi đọc sách của Murakami y như em nè:)) Với cả là sách của ông hay kết thúc mở mà chị hong thích vậy lắm 😂 Rừng Na Uy chị ngâm từ 3 4 năm trước rồi mà chưa dám đọc sợ mình còn non nớt đọc hổng nổi. Mà nhiều khi mình k hợp gu thui. Sách Nhật chị thích của cô Chuối Banana Yoshimoto nè, nhẹ nhàng dễ chịu, nữ tính, healing nữa.

      Liked by 1 person

      1. 😀 Có thể đọc thêm cả Ekuni Kaori nữa nha! Cũng rất nhẹ nhàng và dễ chịu. Chị Chuối thì đôi khi lại cho mình cảm giác buồn man mác quá …

        Liked by 1 person

      2. Ekuni Kaori là tác giả của Lấp Lánh đó nhỉ? Mình cũng tính đọc nè. Mê chị Chuối quá nên đang tìm kiếm mấy tác giả có vibe giống giống vậy á.

        Like

      3. Ừ có “Lấp lánh” và “Tháp Tokyo” là nổi tiếng nhất ở Việt Nam đó bạn. Ngoài ra mình thích thêm cả “Điềm tĩnh và nồng nhiệt”.
        Chị Chuối lâu rồi không viết tác phẩm mới, còn Việt Nam cũng lâu rồi không xuất bản thêm tác phẩm nào của chị. Buồn ghê haz! Fan Việt của chị cũng đông lắm mà…

        Liked by 1 person

  4. ôi đúng là quyển này dọc lần 1 không ấn tượng gì, thậm chí có phần rời rạc, nhưng đến giờ mình đọc lại 3 lần rồi, nhất là sau khi dấn thân chạy bộ thì mới thấm thía nhiều đoạn nói về nỗi cô đơn của người chạy bộ. Còn việc viết, nhớ có đoạn Murakami nói về trải nghiệm của ông hay một người khác kiểu: dừng lại khi đang cao hứng, để ngày hôm sau lại bắt đầu viết tiếp ở cái hứng thú đó.

    Liked by 1 person

    1. Đúng rồi đoạn cao hứng thì dừng lại để hôm sau tiếp tục là trải nghiệm của chính tác giả luôn á. Mình cũng có note lại đoạn đó để dành áp dụng thử cho việc viết lách.

      Like

  5. Mình thì mới đọc cuốn này một lần, khi đã đọc gần hết những tác phẩm của ông ấy. Và đọc cuốn này đúng là như một món quà bất ngờ. Vì không ngờ rằng những tác phẩm mình đã đọc lại được viết bởi một cây viết quy củ đến vậy, dù đôi khi nó lại cho con người ta cảm giác tuỳ hứng nhỉ :))
    Haruki Murakami có rất nhiều tác phẩm dễ đọc cũng không thua kém gì cuốn này đâu nè. Bạn thử tìm được mấy tác phẩm truyện ngắn thời đầu cảu Haruki Murakami nhé!

    Liked by 1 person

  6. Mình cũng thích cuốn này lắm bạn ạ. Lúc mình đọc review về cuốn này thì thấy chê nhiều hơn khen, nào là không có cốt truyện, không thú vị. Nhưng lúc mình đọc cuốn này thì cứ như bị cuốn đi vậy, cuốn theo cuộc đời ông, theo dòng suy nghĩ của ông, biết thêm về hành trình trở thành nhà văn của ông. Quyển sách này đã truyền động lực để tiếp tục viết ngay lúc mình muốn bỏ dở mọi thứ. 🙂

    Liked by 1 person

Leave a comment